Bánh trung thu – món ăn quen thuộc không thể thiếu mỗi khi tháng 8 tới. Cả gia đình quây quần, cùng nhau thưởng thức từng miếng bánh thơm lừng là hình ảnh không thể thiếu mỗi dịp trăng tròn. Nhưng liệu bạn có biết nguồn gốc và ý nghĩa thực sự của bánh trung thu hay không? Có rất nhiều câu chuyện về loại bánh đặc biệt này. Hãy để Chúng tôi kể cho bạn nguồn gốc của bánh trung thu nhé!
1. Nguồn gốc của bánh trung thu
Bánh trung thu thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những chiếc bánh này xuất hiện ở Việt Nam do quá trình ảnh hưởng văn hóa khi Trung Quốc đô hộ nước ta một thời gian dài. Và những chiếc bánh này vẫn còn xuất hiện đến tận ngày nay và trở thành món bánh đặc trưng cho những ngày trăng rằm.
Tương truyền rằng vào cuối thời Nguyên của Trung Quốc, có hai vị lãnh tụ là Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn. Hai người này đứng đầu trong phong trào nhân dân khởi nghĩa của Trung Quốc, đã lãnh đạo nhân dân chống lại bè lũ thống trị tàn bạo.
Khởi nghĩa ắt có những khó khăn. Và để truyền đạt tin tức bí mật trong giai đoạn này, người ta đã nhanh trí làm những chiếc bánh hình tròn, bên trong có nhét tờ giấy ghi thông tin về khởi nghĩa. Trong tờ giấy ghi rằng: “Vào lúc trăng sáng nhất trong đêm rằm tháng 8 âm lịch, chúng ta sẽ tấn công.”
Sau đó, những chiếc bánh hình tròn này được người ta truyền đi cho nhau như những món quà và trở thành một phương tiện liên lạc hiệu quả và bí mật. Cũng từ chiếc bánh mà tin tức khởi nghĩa đã được lan truyền đi khắp nơi. Sau này, người Trung Quốc lấy việc làm những chiếc bánh tròn, vuông vào ngày Rằm tháng 8 để kỷ niệm sự kiện hào hùng ngày ấy. Chính vì thế mà những chiếc bánh trung thu ra đời và còn tồn tại đến tận ngày nay.
2. Ý nghĩa của bánh trung thu
Khi du nhập của nước ta, bánh trung thu có thêm nhiều ý nghĩa nhân văn hơn nữa. Dần dần nó gắn liền với nếp sống và văn hóa của người Việt Nam.
2.1. Ý nghĩa về hình dáng bánh
Bánh trung thu phổ biến hai hình dáng chính là hình tròn và hình vuông.
Bánh hình tròn tượng trưng cho hình dáng tròn của mặt trăng ngày Rằm, mang ý nghĩa vẹn nguyên, đầy đủ và viên mãn
Bánh hình vuông tượng trưng cho hình dáng đất trời. Là sự tự do, rộng lớn và hạnh phúc của con người.
2.2. Ý nghĩa về nhân bánh
Bánh trung thu thường được chia ra thành 2 loại là bánh dẻo và bánh nướng.
Bánh dẻo: Bánh thường có màu trắng và vỏ ngoài của bánh dẻo, mềm và thơm hương hoa bưởi. Nhân bánh dẻo có vị ngọt thanh, thường sử dụng đậu xanh hoặc hạt sen để làm. Hạt sen và đậu xanh tượng trưng cho sự thanh khiết, ngọt ngào.
Bánh nướng: Màu bánh vàng ươm, thơm lừng vì được nướng ở nhiệt độ thích hợp. Bánh nướng dễ kết hợp với nhiều loại nhân như trứng muối, đậu xanh, thập cẩm,… Lớp nhân đậm đà, trong mặn có ngọt của bánh nướng tượng trưng cho sự đủ đầy, sum họp hạnh phúc.
3. Bánh trung thu – Món bánh không thể thiếu mỗi dịp trăng tròn
Trải qua hàng trăm năm phát triển, ngày nay phong tục đón Tết trung thu và thưởng thức bánh trung thu cùng bạn bè, gia đình đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người dân Việt Nam.
Bánh trung thu khá ngọt, thường được thưởng thức cùng với trà để cân bằng vị của bánh. Chiếc bánh được cắt nhỏ ra từng phần bằng nhau và chia sẻ cho những người thân yêu.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại bánh trung thu với nhiều loại nhân bánh đa dạng như: trứng muối, đậu xanh, thập cẩm, trà xanh, đậu xanh trứng muối, hạt sen,… cùng với rất nhiều hình dáng độc đáo và hoa văn khác nhau. Vỏ bánh cũng được biến tấu, không chỉ còn vỏ trắng và vàng cua của bánh nướng và bánh dẻo nữa, mà còn có rất nhiều màu sắc bắt mắt, thu hút sự chú ý của những tín đồ yêu thích bánh trung thu.
Dịp trung thu này, hãy chọn cho mình những chiếc bánh thơm ngon, cùng gia đình và bạn bè đón Tết đoàn viên thật ý nghĩa bạn nhé!